Kỹ năng lắng nghe là một kỹ năng không thể thiếu trong quá trình cộng tác và làm việc nhóm. Kỹ năng lắng nghe sẽ giúp bạn và cộng sự có được một cuộc giao tiếp hiệu quả cũng như nâng cao giá trị bản thân. Khi mọi người trong nhóm cải thiện kỹ năng lắng nghe, sẽ có sự hiểu biết và hợp tác tốt hơn từ đó công việc nhóm sẽ trở nên hiệu quả. Vậy bạn đã thực sự là một người biết cách lắng nghe tích cực? Hãy cùng VACS khám phá cách để cải thiện kỹ năng lắng nghe trong làm việc nhóm nhé!
1. Giữ vững tinh thần tập trung khi lắng nghe
Tập trung luôn là nguyên tắc vàng giúp tăng kỹ năng lắng nghe khi làm việc nhóm. Việc thiếu tập trung không chỉ ảnh hưởng đến nội dung của thông tin mà bạn nhận được, mà còn khiến cho người đang phát biểu có cảm giác bị thiếu tôn trọng. Vì vậy, để tránh các trường hợp này xảy ra, chúng ta nên tránh các hành động sẽ khiến chúng ta mất tập trung như: lướt điện thoại, nhìn ra cửa sổ,…
2. Hãy xây dựng sự kiên nhẫn
Kỹ năng lắng nghe hoàn hảo luôn được xây dựng bởi sự kiên nhẫn. Kiên nhẫn lắng nghe những điều người khác đang nói và điều họ mong muốn sẽ giúp chúng ta có thể hình dung ra những vấn đề đang tồn tại, cũng như hiểu được cách họ nhìn nhận vấn đề. Đừng nên chăm chăm vào chỉ riêng ý kiến của bản thân mà vội vàng phản bác người khác, như vậy chỉ khiến quá trình làm việc nhóm sớm đi vào ngõ cụt và không có kết quả.
3. Lắng nghe một cách chủ động
Đừng khiến bản thân trở thành một “tượng đá” trong quá trình làm việc nhóm. Hãy dành ra những lời khen, những câu hỏi khéo léo để giúp mọi người có thể đào sâu vào các vấn đề. Nên nhớ rằng, việc lắng nghe chủ động không chỉ giúp bạn dễ đi sâu vào vấn đề mà còn khiến người phát biểu nhận được sự tôn trọng. Bên cạnh đó, bạn còn có thể hướng sự chú ý của tất cả các thành viên khác vào người nói và giúp họ chia sẻ mọi thứ tốt hơn trong quá trình làm việc nhóm.
4. Luôn thể hiện sự quan tâm khi trao đổi
Hãy để các thành viên còn lại thấy được sự quan tâm đến vấn đề đang đề cập bằng nhiều hành động khác nhau, ví dụ: lặp lại vấn đề, tiến đến gần,… Bằng cách hưởng ứng mọi người, việc trao đổi sẽ trở nên thuận lợi và suôn sẻ hơn. Đừng nên tạo bất kì một khoảng cách đối với người nói, việc làm này sẽ khiến họ có cảm giác không được sẻ chia, không được lắng nghe và không có tinh thần để tiếp tục cộng tác.
5. Chấm dứt hành động áp đặt
Một nguyên tắc cần thiết để giúp bạn tạo dựng mối quan hệ tốt trong chính nhóm của mình là giữ tư tưởng cởi mở, không gò bó và cũng không áp đặt suy nghĩ của mình lên người khác. Tư duy bảo thủ, muốn áp đặt suy nghĩ lên người khác chỉ gây áp lực lên đồng nghiệp và các thành viên trong nhóm làm việc. Đây không phải là cách làm việc nhóm hiệu quả.
Việc rèn luyện kỹ năng lắng nghe tích cực không chỉ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về suy nghĩ, quan điểm, cảm xúc của người khác mà còn giúp cải thiện chất lượng các các buổi làm việc nhóm. Hãy bắt đầu thực hành kỹ năng lắng nghe tích cực ngay hôm nay VACSers nhé!